Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, người được Kiến Trúc & Đời Sống đề cử để dẫn dắt buổi trao đổi này hy vọng những chia sẻ của mọi người sẽ làm bật lên một số nét dự báo về tương lai nhà ở đô thị tại Việt Nam. Ý kiến về sự lựa chọn, những điều được, chưa được về căn hộ, về nhà phố của mỗi người ngày hôm nay sẽ là những lưu ý để giúp cho những nhà quản lý đô thị, những người làm quy hoạch hoàn thiện hơn những ý tưởng, công việc của họ. Khách tham dự buổi càphê gồm ông Nguyễn Quang Lập – nhà văn, Ông Công Kiên Chiến – công chức, bà Hồ Thị Lê – hưu trí và bà Đinh Giáng Tiên – doanh nhân.
Ngày đăng: 15-01-2016
1,323 lượt xem
Càphê kiến trúc – chuyên mục mới của KT&ĐS kể từ số này – là những câu chuyện của mỗi người, của đời sống, của đô thị, liên quan tới kiến trúc được dẫn dắt bởi một chuyên gia, kiến trúc sư cùng những khách mời. Bởi là càphê, nên chuyện kiến trúc sẽ bình dị gần gũi, lại cũng phóng khoáng và đầy ngẫu hứng. Câu chuyện đầu tiên, về sự lựa chọn căn hộ hay nhà phố, hai loại hình nhà ở phổ biến ở các đô thị lớn Việt Nam hiện nay và tương lai. Những nhìn nhận và trải nghiệm của từng người sở hữu một trong hai loại hình nhà ở này bật lên nhiều điều thú vị.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, người được Kiến Trúc & Đời Sống đề cử để dẫn dắt buổi trao đổi này hy vọng những chia sẻ của mọi người sẽ làm bật lên một số nét dự báo về tương lai nhà ở đô thị tại Việt Nam. Ý kiến về sự lựa chọn, những điều được, chưa được về căn hộ, về nhà phố của mỗi người ngày hôm nay sẽ là những lưu ý để giúp cho những nhà quản lý đô thị, những người làm quy hoạch hoàn thiện hơn những ý tưởng, công việc của họ.
Khách tham dự buổi càphê gồm ông Nguyễn Quang Lập – nhà văn, Ông Công Kiên Chiến – công chức, bà Hồ Thị Lê – hưu trí và bà Đinh Giáng Tiên – doanh nhân.
Mở đầu ông Lưu khái quát: Đô thị và hình thức nhà phố ở Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ hai mươi. Và, sự hình thành của nhà phố bắt đầu từ sự kết nối những căn nhà trong từng làng, xóm với nhau bằng những ngõ, hẻm rồi tạo thành những con phố.
Riêng chung cư ở Việt Nam mà cụ thể là ở Sài Gòn và Hà Nội chỉ mới xuất hiện từ những năm 60 – 70. Ở Sài Gòn, chung cư đầu tiên được xây dựng là chung cư Nguyễn Thiện Thuật, được xây từ năm Mậu Thân (1968). Rồi đến chung cư Thanh Đa được xây vào đầu những năm 1970.
Sau giải phóng, hình thức chung cư tưởng chừng như chấm dứt, không còn được nhắc đến. Người ta tập trung cho việc xây dựng những căn nhà phố để phục vụ không chỉ cho nhu cầu ở, mà còn cho nhu cầu buôn bán, kinh doanh. Ngay cả trong quy hoạch, cứ nói đến quy hoạch là người ta nghĩ đến việc phân lô. Nhà phố trở nên ưu thế, vừa ở, vừa kinh doanh, làm khách sạn, cho thuê mặt bằng…
Đến giai đoạn hội nhập, những nhà đầu tư, những người kinh doanh bất động sản bắt đầu khai thác hình thức chung cư để cung cấp cho
thị trường nhà ở. Ở các đô thị xuất hiện dạng chung cư cao cấp. Sài Gòn đi trước. Sau đó Hà Nội vượt lên cả về quy mô, số lượng lẫn chất lượng.
Với chung cư, ngày nay có nhiều tiêu chí. Đã xuất hiện nhiều công trình được đầu tư về chất lượng xây dựng, luôn phù hợp sự thay đổi về môi trường sống, văn hoá sống, nhu cầu sống của những người sống bên trong và xung quanh. Tuy nhiên, công trình dù có chất lượng xây dựng nhưng một thời gian trở nên lạc hậu, giam hãm, không tạo được sự thoải mái cho những người sống bên trong cũng là vấn đề mà nhiều cư dân quan tâm.
Trở lại với câu hỏi nhà phố hay căn hộ. Ông Lưu đặt vấn đề. Nhà tâm lý học A.More đã phân loại môi trường chung quanh con người như sau : 1 – không gian của mình, 2 – không gian của người khác, 3 – không gian cộng đồng, 4 – không gian chưa biết. Bốn không gian này tương tác với nhau và tạo thành không gian đô thị. Liệu mọi người có thừa nhận ở nhà phố, không gian của cái tôi nhiều quá, mỗi người có một không gian sinh hoạt riêng, làm việc riêng, rất ít không gian cho sinh hoạt chung nên tính cộng đồng trong nhà phố không khéo sẽ bị mất. Trong khi đó, ở căn hộ chung cư, phòng ngủ của mỗi người bao quanh phòng sinh hoạt, mở ra là có không gian chung nên tính cộng đồng trong gia đình sẽ được gìn giữ.
Lựa chọn tuỳ hoàn cảnh
Trong số những người tham gia trao đổi lần này, có hai người đang sống ở căn hộ chung cư và hai đang sống trong nhà phố. Với những công việc, hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng, mỗi người đều hài lòng với tổ ấm hiện có của mình.
Nhà văn Nguyễn Quang lập, người đang sở hữu một căn hộ chung cư rộng hơn 70 m2 ở Hà Nội tuyên bố: “Tôi là người nghiện chung cư”. Và dứt khoát: “không bao giờ ở nhà ống. Nhà ống bất tiện là không có mặt thoáng”
Lập luận của ông đối với ưu điểm của căn hộ chung cư là ở chung cư an toàn, không cần phải lo lắng gì cả. Mọi thứ chỉ cần alô là có người lo. Tất nhiên phải trả tiền nhưng chi phí không nhiều. Hơn nữa ở chung cư thật yên tĩnh, ít va chạm với người xung quanh.
Ông Công Kiên Chiến, hiện đang công tác tại công ty bảo hiểm Bảo Việt cho biết ông đã ở căn hộ chung cư từ năm 90 đến nay. Và ông vẫn trung thành với chung cư dù khả năng hoàn toàn có thể mua được nhà phố, thậm chí là biệt thự. Các chung cư ông từng trải qua gồm chung cư ở ngã sáu Phù Đổng, chung cư Ngô Đức Kế, Hưng Vượng và nay ông đang sống tại Sky Graden… Với ông, ở chung cư yên tĩnh, an ninh và thật yên tâm dù cho ông có phải đi công tác hay cùng gia đình đi du lịch ở đâu dăm bữa nữa tháng hoặc lâu hơn. Những chung cư mà ông ở sau này chất lượng, môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Trong khi đó, những người đang lựa chọn sống ở nhà phố cũng có những lập luận riêng của mình.
Bà Hồ Thị Lê, hưu trí, hiện đang sống một mình trong căn hộ diện tích 4,6 x 30 được xây năm lầu và một tầng hầm trên đường Nguyễn Đình Chiểu Q.3 cho biết, bà đang hài lòng với nơi mình đang ở. “Sống một mình đã quen, hơn nữa tôi lại mê sách nên không cảm thây buồn. Riêng việc giao tiếp, mối quan hệ bạn bè hoàn toàn có thể mở ra xa hơn những bức vách của các căn nhà bên cạnh. Buổi sáng tôi đi ra Tao Đàn tập thể dục, rồi đi uống càphê, ăn sáng ở những nơi quen thuộc. Đó là những địa chỉ mà tôi có thể gặp gỡ bạn bè, người quen”
Riêng bà Đinh Giáng Tiên, một doanh nhân thì cho biết hiện đang ở nhà phố đường Nguyễn Văn Đậu – Bình Thạnh, mặc dù cũng đang sở hữu một căn hộ chung cư. Bà chọn ở nhà phố vì đã quen sống ở đó từ nhỏ. Hơn nữa, nhà có người già nên không thể sống chung cư.
Thực hiện KTS Nguyễn Trường Lưu, Vĩnh Phương (ghi) ảnh KT, NĐ
Gửi bình luận của bạn